Giá sách giáo khoa tăng cao bất thường
Trong nhiều năm trở lại đây, giá sách giáo khoa tăng cao luôn là vấn đề khiến dư luận bức xúc. Phụ huynh bức xúc trước tình trạng bán sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc"
Những ngày qua, dư luận lại xôn xao trước thông tin hàng loạt những vi phạm nghiệm trọng trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa (SGK) trong nhiều năm trở lại đây.
Kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra Chính phủ tại NXB Giao dục Việt Nam cho thấy, nhà xuất bản đã tăng giá bán SGK 16,9% từ năm học 2019 - 2020.
Giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB có sai sót dẫn đến gia đình học sinh (là khách hàng) phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký giá từ năm 2011 (được ấn định trên bìa SGK) cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85 tỉ đồng; Kết luận thanh tra chỉ rõ, NXB là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh SGK đối với SGK được biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000/QH10, gia đình học sinh phải mua SGK theo giá ấn định trên bìa sách.
Vấn đề "nóng" nhất được thanh tra làm sáng tỏ là công tác quản lý về in ấn, sử dụng sách bài tập. Trong đó sai phạm nghiêm trọng được chỉ ra là Bộ Giáo dục và Đào tạo không kịp thời ban hành văn bản liên quan, dẫn đến gây hiểu nhầm cho phụ huynh, học sinh và xã hội về việc tài liệu này là phải mua kèm.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm. Chị Nguyễn Thanh Thảo (Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh có 2 con trong độ tuổi đến trường cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình chị đều phải chi từ 1 - gần 2 triệu đồng để mua sách cho con mỗi dịp đầu năm học và không hề được giải thích đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo. "Những năm trước, khi chỉ có 1 bộ sách giáo khoa, gia đình tôi thường tự mua sách tại các nhà sách và sẽ được chiết khấu từ 10 - 30% giá bìa. Vài năm trở lại đây, vì lo sợ mua không đúng loại con học, nên tôi chuyển sang đăng kí tại trường và mua theo đúng giá in trên bìa sách. Trong danh mục nhà trường kê có kèm theo rất nhiều sách bổ trợ, sách bài tập. Thực tế, giá thành đội lên là do những loại sách này" - chị Thảo chia sẻ.
"Mong muốn của tôi cũng như của tất cả các phụ huynh là Nhà nước sớm có giải pháp thống nhất nội dung SGK và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sách. Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm cá nhân, tổ chức trục lợi" - anh Ngô Thành Đạt (Ba Đình, Hà Nội) nêu quan điểm.
Lãng phí sách giáo khoa dùng một lần
Cũng trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, vấn đề lãng phí hàng nghìn tỉ đồng từ sách giáo khoa dùng một lần cũng được nhắc tới. Nhiều phụ huynh bày tỏ, các cơ quan chức năng cần làm rõ dấu hiệu "lợi ích nhóm" trong vấn đề này.
Thời điểm năm 2017, dư luận xã hội cũng từng bày tỏ sự bức xúc trước việc SGK được thiết kế nhiều bài tập, học sinh phải viết luôn vào sách và không thể tái sử dụng được.
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng bàn luận về việc "mỗi năm phụ huynh bỏ hàng nghìn tỉ đồng mua SGK rồi bán giấy vụn".
Khi đó, trước những ý kiến của dư luận, trả lời Lao Động, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói rằng, về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Tuy nhiên ở SGK môn này môn kia, lớp này lớp khác có những bài tập với lệnh điền / viết / nối…
Bên cạnh những bài tập tự luận, các tác giả viết sách đã đưa các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối… nhằm tăng cường hoạt động, kích thích tư duy học sinh.
Tuy nhiên, trong sách giáo viên đều đã có nội dung lưu ý giáo viên việc nhắc nhở học sinh không viết vào sách, hướng dẫn các em chép đề bài ra vở để làm. Việc học sinh làm bài tập luôn vào SGK xảy ra là có thể do giáo viên chưa truyền đạt kỹ đến học sinh.
Phía Nhà xuất bản cũng không tự ý sửa sách, hay tự ý cho bài tập vào SGK, mà đều phải được Hội đồng thẩm định của Bộ GDĐT thông qua. Vì thế, để xảy ra việc lãng phí SGK dùng một lần, cần làm rõ cả trách nhiệm của hội đồng thẩm định.